Stránky

2014/07/10

Ai giàu ba họ- ai khó ba đời.

Sống ở châu Âu mình có một thú vui, đó là tận dụng những lúc rảnh rỗi mình lại cùng cả nhà gậy bị chui vào thăm thú những lâu đài cổ.
Xa thì đi hai ba ngày, gần thì sáng đi tối về, xem dần từ những tòa bé đến tòa to, những tòa ở gần đến những tòa ở xa.
Những tòa lâu đài của vua khác với của quan, của tướng.
Những tòa lâu đài của những dòng họ cao sang quyền quí.
Những tòa lâu đài bé nhỏ nhưng xinh xắn của những dòng họ thường thường bậc trung.
Đọc những dòng giới thiệu, mình không tránh được ngạc nhiên, thán phục. Những ngạc nhiên cứ lớn dần lên, những thán phục không có chỗ để chứa đựng.
Có những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, nằm trên đỉnh đồi, nhìn ra bao la bát ngát tứ bề tuyệt cảnh, tồn taị cả 400-500 năm mà có cảm tưởng như một viên gạch vẫn không hề suy chuyển, những lối đi vẫn quanh co người xưa kẻ cũ, mọi thứ được trân trọng nâng niu, bảo tồn trân quí.
Làm cho mình lại chạnh lòng nghĩ về rất nhiều những dòng họ có tiếng tăm ở Việt Nam nhưng lại chẳng mấy khi được lưu truyền lâu đến như thế.
Bỏ qua một vài yêu tố lịch sử như chiến tranh (hầu như dân tộc nào cũng trải qua).
Bỏ qua yếu tố xã hội vì giới hạn rộng không đề cập đến trong một bài viết ngắn.
Nói về một vài khía cạnh con người.
Con người thuộc về một dòng họ nào đó. 
Con người kiệt xuất làm rạng danh nên dòng họ đó.
Con người không tồn tại mãi mãi.
Những tinh hoa của dòng họ được những những lớp thế hệ sau thừa kế, phát triển, hoặc là thừa hưởng và tàn phá.
Của cải của các dòng họ lớn ở châu Âu có lẽ đã được phân chia rất sáng suốt, thông minh và hợp lí.
Những người làm vườn cứ thế mà làm vườn, từ đời cụ sang đời chắt chít cứ cần mẫn mà chăm sóc mảnh vườn của dòng họ cho thật đẹp. Công việc làm vườn đã được trả lương hậu hĩnh, đủ để người làm vườn chỉ chuyên tâm chăm sóc cây cỏ, thu thập những kì hoa vĩ thảo về làm đẹp cho vườn, cho người và cho đời thôi!
Những quản gia cứ cha truyền con nối làm quản gia.
Những chủ nhân của các tòa lâu đài, con trai hay con gái, cháu trai, cháu gái, nội, ngọai, xa gần đều được bố mẹ chia gia tài công bằng. Họ hưởng thụ và có trách nhiệm gìn giữ nơi ở của mình trường tồn với thời gian.
  Những gia tài lớn ở Việt Nam thường được để lại theo hình thức cho các con trai, cháu trai.
Con gái cũng do bố mẹ đẻ ra thì được cho là con của người khác, vì đi lấy chồng thì dĩ nhiên không còn tiếng nói gì trong gia đình cả.
Con gái không được bố mẹ, dòng họ, gia đình tôn trọng và bảo vệ quyền lợi. Trước pháp luật họ cũng thường câm nín vì sợ bị đánh giá là tham lam (hưởng những quyền lợi chính đáng của bản thân). Dẫn đến việc tự nhiên họ trở nên thờ ơ, (bắt buộc) phải thờ ơ trước rất nhiều việc liên quan đến dòng họ.
Chưa kể nhiều sự phân chia rất mơ hồ, cảm tính, ví dụ những đứa con giỏi giang, thì bố mẹ thường bỏ qua, để bù đắp cho những đứa con kém cỏi. 
Không kể đến những người bị tàn tật, yếu kém về sức khỏe.
Thì nhiều đứa con yếu kém về kinh tế thường do lười biếng, lúc trẻ không chịu học hành, lớn lên lười nhác làm việc. Sống ỷ lại của cải, nên của cải " miệng ăn núi lở" chả còn , lấy đâu là phát triển với bảo tồn.
Rồi " giàu con út khó con út", của nả nhà cửa ruộng vườn đưa hết cho con út, các anh chị em cãi cọ tranh giành của cải, tan đàn xẻ nghé. Ai không tranh nổi(không mưu mô xảo quyệt, không chèn ép anh em) thì đành chịu.
Của cải tích góp một đời vốn là tinh hoa, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt của ông bà , cha mẹ, cuối cùng đã không được sử dụng, phân chia hợp lí, chúng không phát huy được sức mạnh. Cuối cùng manh mún, bọt bèo, không để lại dấu vết gì. Không ai biết ông bà cụ kị đã giỏi giang thế nào? Không ai biết dòng họ tổ tiên đã một thời lừng lẫy ra sao. Tất cả lại cắm cúi bước đi trên con đường đáng ra đã được trải hoa hồng.
Ai giàu ba họ - Ai khó ba đời .
Xem ra câu nói này không đúng với các bạn tây tí nào ! Họ giàu có cả chục đời, và sẽ còn giàu mãi!

Ối giời ngắm tòa lâu đài mà lan man kinh lên được, bài viết thể hiện quản điểm cá nhân lại trong lúc phởn và hứng chí bác nào vô tình vào đọc đừng có chưởi iem :-))))))))))))))

                                                                                           Sấu chua.


Žádné komentáře:

Okomentovat