Stránky

2016/11/27

Màu của thời gian.

"Chiều  nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi  thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa..."


 ...Tôi đã từng khóc rất nhiều lần mỗi khi nghe bài này từ năm 19 tuổi.
.Nhớ mãi cái mùa thu năm ấy.
Gia tài vẻn vẹn lên máy bay là mấy bộ quần áo. Chẳng hiểu bố mẹ qui đổi từ mấy chỉ vàng mà gói ghém được cho mình một cái quần bò phên, hai chục bông hoa tai nhựa đủ màu xanh đỏ tím vàng. Bố dặn con mang sang đó bán lấy tiền rồi có gì thì mua hàng hóa gửi về, chẳng may có chuyện gì đó, không có tiền thì bán " chúng nó" đi mà phòng thân.
Tôi nghe ù ù cạc cạc chứ cũng chẳng hình dung nổi nếu có "chuyện gì" là chuyện gì?
Đi là đi. Cất bước là xa. Xa mãi. Xa ngàn trùng.
Sau này thỉnh thoảng nghĩ lại, đặc biệt là mỗi lần quá cảnh qua các sân bay, ngồi uống cà phê trong các quán cà phê long lanh ấm áp, tôi lại nhớ như in về chuyến bay đầu tiên xa nhà năm đó. Nhiều khi giật mình tự hỏi nếu chẳng máy bay nhỡ nhàng vài ngày, trong người chẳng có lấy một xu, không hiểu mình sẽ sống, sẽ xoay xở ra sao với mấy bông hoa tai nhựa và cái quần bò?
Quay về chuyện cái quần bò. Nếu bán được giá là 700 Kc. 
Một đôi hoa tai nhựa bán được 20 -25 Kc.
100 USD qui đổi giá chợ đen ở quảng trường " con ngựa" là 4200 Kc.
Lương khởi điểm sau 3 tháng học tiếng và một tháng học việc là 1400 Kc.
Nếu bán được 6 cái quần bò thì mua được 100 USD.
Nếu lĩnh lương mà không đi đâu, không ăn gì, không mua gì thì sau 3 tháng mua được 100 USD. :-P.

 Ba tháng học tiếng với một bà giáo hay ngủ gật. Mỗi lần bà ngủ gật trong giờ giải lao, là cả hội lại ùa ra bếp tranh thủ rang cơm, nấu mì ăn vì mới sang ăn đồ tây không quen, thèm cơm da diết.

Ba tháng, chữ đực, chữ cái, chữ có, chữ không.
Một chị lớn tuổi nhất trong đoàn mình. Chị có chồng, có con ở Việt Nam rồi đi sang đây. 
Chị bươn trải, chị xông xáo hơn tất cả mấy đứa lơ ngơ mặt búng ra sữa.
Chị ôm quần bò, bút chì kẻ mắt, son môi, hoa tai,... tất cả những gì được truyền tai nhau là mang sang tây bán được giá.
Thiên đường XHCN ngày xưa hàng hóa khan hiếm. Nên tây cũng " khát" hàng hóa như khát nước giữa sa mạc.
Chị ôm đống hàng hóa đi tới từng bàn máy khâu, từng " đồng nghiệp" mới toanh chào mời với thứ tiếng bản địa bập bõm, câu được câu chăng.
Chị nói với khao khát bán được hàng một cách mãnh liệt, tất cả chân tay, mắt, miệng đều được chị sử dụng triệt để. Nói  chung nói mà mỏi hết cả tay, hi hi.
Những ngày đầu, mọi người xúm vào mua, mua đủ thì thôi. Có người hẹn chị bao giờ có lương sẽ mua. Hoặc ngày mai (zitra) sẽ mua. Có hôm chị mời nhiều mà chẳng bán được mấy, chị bực lắm. Chị quát dịt tra đẹo thèm bạn nựa (zitra là ngày mai đéo thèm bán nữa nha). Yêu không ? :-D
                                        ....
Vài năm sau đó, phong trào vượt biên từ Việt Nam qua Nga, rồi lội rừng sang Tiệp, để đi tiếp tới Đức, Áo, Hà lan, tôi biết có nhiều cô gái họ chỉ còn thân xác làm lộ phí đi đường, họ chẳng có nổi vài chiếc quần bò để mà phòng thân lúc sa cơ lỡ vận.
                                       ...
                                                   ....
 Cứ tầm tháng này là hay nhớ những chuyện linh tinh. Lựa chọn sống ở một nơi nào đó không phải là quê hương mình, bây giờ là quá phổ biến, mỗi người đều có những hoàn cảnh và những điểm xuất phát riêng. Nhưng nỗi buồn viễn xứ luôn có thật và chiếm một góc không nhỏ trong tâm hồn.
                                                                    Sấu chua.

Žádné komentáře:

Okomentovat