Stránky

2020/01/27

Cũ đi tìm mới.

Hậu Tết, mặt tăng lên mấy inch, môi má căng mịn những nếp với đậu, chụp cái ảnh chiều ba mươi, sáng mồng ngồi xem mà ăn năn hối hận không cứu nổi. Đành tặc lưỡi, thôi thì năm có một lần Tết chứ mấy.

Trưa tất niên cún đeo một balo quần áo bẩn về nhà ăn Tết với bố mẹ. Sau ba tuần thi cử liên miên, cún trèo lên giường đổ gục vào cái chăn oánh một giấc tới gần sang canh( tính theo giờ Việt Nam). Mẹ đun nồi nước hạt mùi già, lá chanh, vỏ bưởi, củ sả xông nhà tất niên, gọi cún dậy đi tắm tất niên kẻo cả năm lại phải ngủ với tắm thì mệt. Cún bật dậy tắm táp, lau cái bếp giúp mẹ xong thì còn 20 phút nữa là giao thừa.
Anh cún xin được nghỉ sớm nửa ngày nên lao vào nhà như cơn gió, chuyến tàu đúng giờ nên cũng kịp tắm tất niên tinh tươm kiểu siêu tốc.

Bữa cơm tất niên sau ba bẩy hăm mốt lần tự hứa, mẹ vẫn không thay đổi là bao nhiêu. Phải công nhận kí ức như một nét mực đậm, không dễ gì xóa nổi. Thế nên trên bàn vẫn cứ bánh chưng xanh, dưa hành, canh măng hầm chân giò, trên rải miến dong lẫn với nấm hương mộc nhĩ thái sợi, củ hành non chần xanh nõn nằm ơ hờ bên trên sánh với vài ngọn rau mùi xanh mướt. Giò thủ sào lăn, gà trống luộc, nem rán, rau củ sào tôm nõn, bát cơm gạo mới, đĩa bún nhỏ, bát nước chấm, rau sống, thôi thì tinh giản tới mức tối đa, chứ mà thêm đĩa xôi, bát mọc, bát bóng, nữa thì cạn lời.
Cún hỏi ai nghĩ ra nâm cỗ Việt nam hả mẹ? sao có món này mà không phải món kia? sao? sao? giăng giăng? Hỏi thì tự tìm câu trả lời nhé chứ làm cỗ xong mệt lắm :-D
Anh bảo bước chân vào nhà là thấy Mùi Tết thích lắm mẹ ạ.
Mẹ hỏi Mùi Tết nó thế nào?
Anh bảo Mùi Tết Thơm đặc biệt lắm. Không dễ tả. Nhưng hình như là mùi ấm, ẩm hơi nước, mùi lá dong gạo nếp, mùi hương trầm, mùi hạt mùi, mùi vỏ bưởi... tất cả hòa vào nhau thân thiết như mùi áo mẹ.
Tí nữa thì mẹ khóc nếu anh còn nói thêm.
Anh cún hít hà từng món một, chụp ảnh, rồi nhắm tịt mắt lại ăn chậm rãi từng miếng nhỏ, rên rỉ ngon quá, ngon lắm, ngon rất. Rồi lịch sự như tây cám ơn bố mẹ đã chuẩn bị bữa cơm vừa ngon, vừa đẹp vừa tốn quá nhiều công sức. Mà anh bận đi làm chỉ kịp về ăn mà không giúp được gì. Gớm mệt suýt đổ mà nghe cũng mát hết cả ruột gan, chả trách toàn hứa hươu hứa vượn mà không tinh giản cỗ Tết được là phải.

Ngày mồng một Tết trôi cái vèo.
Chiều mồng hai Tết hai anh em lại lục tục lôi nhao đi. Đứa đi học, đứa đi làm. Lễ mễ hào hứng múc dưa chua vào lọ, nhét bánh chưng, nem rán,giò thủ ...lặc lè vào balo.

Căn nhà trống vắng lại như cũ. Hoa mận hoa đào nở từng góc nhà nhưng lòng mẹ không còn đủ vui như hôm qua mồng một Tết có đủ các con.
Mẹ đi lướt qua phòng mỗi đứa, bật hết đèn lên cứ y như vẫn có người, bố hỏi mẹ làm gì mà bật hết cả đèn khắp nhà lên thế ?
Mẹ bảo bật đèn cho bớt trống trải, rồi có một hạt nước tròn vo ở mắt lăn xuống nghe đến độp một cái. Vớ vẩn hết sức.

Chẳng còn gì để chờ đợi nữa, thôi thì lại bắt đầu hóng hoa Tuyết nở. Không có tuyết loài hoa đội tuyết, nở trên tuyết tươi mới tinh khôi nên được đặt tên là hoa Tuyết chắc vẫn cứ có tên là Tuyết nhỉ? 

Thế giới rồi chẳng còn như xưa. 
Anh cũng khác. 
Em cũng khác.
Niềm vui khác.
Nỗi buồn cũng khác.
Tất cả rồi sẽ khác.
Có lẽ chỉ còn lại cái Tên.
Gợi những miền xưa cũ.
Để ta tìm nhao trong những khát vọng mơ hồ.
                                    Sấu chua.


2020/01/20

Xoan vào mắt.

Ngày chủ nhật, thành phố buồn tênh.
Nhiệt kế chỉ -3 °C.
Tuyết thỉnh thoảng rơi lộp bộp lên mái hiên rồi ngưng, rồi tan biến.
Ăn trưa xong mặc ấm ra vườn kê dọn lại vài chỗ. 
Bỏ mấy thứ trang trí từ hồi Tết tây đi để chuyển sang bày kiểu Tết Ta.
Có người mới đóng cho một cái kệ gỗ từ đống gỗ vụn, nhìn yêu lắm, yêu cái kiểu mộc mạc, giản dị, vụng về, không chau chuốt. 
Nhìn cái kệ chỉ mong tháng Một nhảy cóc phắt sang tháng Tư, để mình đứng nấu cơm rửa rau giữa khung trời trắng xóa hoa mận nở. Để nướng chiếc bánh Phục sinh ngồi uống trà giữa vườn đầy tiếng chim...

Loay hoay kê kê dọn dọn, moi moi quét quét quên cả lạnh.
Bỏ mấy cây thông đi, thay vào cành đào, đặt chỗ nào cũng thấy thiếu thiếu vắng vắng lạnh lẽo vì mùa đông không có nắng. Tự nhiên thèm đến điếng cả lòng mấy mảng màu của Quất, của Cúc, của Mai, của Đào.
Cũng mảnh sân này mà chỉ cần đặt vài chậu cúc thôi thì lòng hẳn vui lắm lắm.

Bắc bếp pha một ấm cà phê nóng bỏng ngồi uống giữa vườn lạnh. Lòng cứ lan man nhớ nọ sang nhớ kia.
Nghĩ thế nào rồi lôi cái ấm giỏ làm từ quả dừa khô, bộ ấm chén mua ở Bát Tràng ra tráng rửa sạch sẽ rồi bày lên cái bàn gỗ.
Bảo em bày mấy thứ này ra cho có khung cảnh gợi nhớ Việt Nam. Hôm tới này giao thừa xong, anh với em mặc ấm, ra vườn, pha ấm trà nóng ngồi uống với nhau cho lòng nó xoan.
Nói xong nghĩ bụng. Xoan vào mắt :-D :-D :-D 
                                              Sấu chua.

Trai thời nay.

Cuối tuần anh thường đi thẳng từ công ty về nhà trên chuyến tàu vét cuối ngày cách nhà mẹ 200 cây số.
Bữa tối anh hay ăn luôn trên tàu vì khi về tới nhà thường đã quá muộn cho một bữa ăn thường nhật.
Tàu liên vận châu Âu toa kín như máy bay, mỗi tội hay bị chậm, lí do chậm thì nhiều vô kể. Đến nỗi những chuyến tàu đúng giờ cũng khiến người ta vui.
Mẹ thấy anh thường về nhà với khuôn mặt rất mệt. Mệt vì cả tuần làm việc. Mệt vì ngồi nhiều cùng máy tính. Mệt vì áp lực công việc. Mệt vì điện thoại. Mệt vì cuộc sống thời số hóa. Và có lẽ còn rất nhiều mệt mỏi nữa mà mẹ không thể nhìn thấy, cũng có thể cả không cảm nhận nổi.
Có những buổi đêm hai mẹ chat cùng nhau, chào nhau 5 -6 lần mới chịu đi ngủ. Có những khi hai ba tuần anh mới về, những tuần lễ như thế, anh thường nhắn tin cho mẹ từ giữa tuần là cuối tuần này con về nhé, vé con đã mua từ đầu tuần, con muốn về nhà quá. Và mẹ nghe thế vui cả tuần. Có phải tất cả các bà mẹ đều dễ vui như thế không?
                                            .....
Anh lục bếp hỏi xin cái khuôn sắt, mẹ bảo thích khuôn nào cứ việc khuân. Khuôn gì mẹ cũng có, sắt, silicon, gốm, sứ... vuông, tròn, chữ nhật, trái tim, bông hoa, cá, lợn... anh chọn vài chiếc xâu xấu đem đi. Tính anh nó thế, mẹ biết. Mẹ bảo lấy đi, lấy đi, anh bảo thôi để mẹ dùng, con chỉ cần thế là đủ. ĐỦ.
Anh lôi sách nấu nướng của mẹ với em ra săm soi, chụp ảnh hàng loạt, rồi mủm mỉm bảo:
- Con thích tập nấu vài món Việt Nam, vài món Ý, vài món Tiệp, vài món Pháp, nướng vài loại bánh đơn giản để ăn. 
- Đã hết cái thời đàn ông ngồi chờ phụ nữ nướng bánh cho ăn rồi mẹ ạ.
- Thỉnh thoảng đi ăn quán thì thấy rất thích, nhưng nấu ăn thì đỡ tốn kém và mình nhận ra có nhiều món mình cũng có thể nấu rất ngon được mẹ ạ.
-Cũng rất thích khi mình biết rõ mình đang ăn gì? 
- Buổi chiều xách làn đi chợ cũng vui mẹ ạ.

Mẹ nghe hàng loạt các lí do anh nêu ra khi quyết định tự học nấu ăn.
Một loạt các chuyến biến vô cùng hay ho đang ngấm ngầm chảy giữa các thế hệ đàn ông Việt từ Ông tới Bố tới Con trai đây rồi chứ đâu :-D
Phẩm chất đàn ông đang được trang bị thêm nhiều khái niệm mới :-D.

Đời sống cuốn tất cả chúng ta đi trong những vòng xoáy cuồng bạo. 
Biết Sống, trở thành một phẩm chất quan trọng.
Biết sống không phải chỉ là biết kiếm ra nhiều tiền. Sở hữu những căn hộ cao cấp. Lái những siêu xe đắt tiền. Khoác lên mình những bộ đồ đắt giá.
mà biết sống đôi khi chỉ là biết sống chậm lại. Biết đơn giản để có đủ thời gian cảm nhận những vẻ đẹp đa chiều của đời sống.
Là biết nấu cho mình một bữa ăn thong thả, có hiểu biết, có chọn lọc.
Là sống nhẹ nhõm, không phải gồng mình lên, buồn vui tự nhiên như cành hoa đến thì phải nở, như hết ngày lại đến đêm.

Thỉnh thoảng nhìn anh mẹ lại nhắc mình đang ở đâu giữa cuộc đời, gân guốc, quanh co, nhiều khó nhọc nhưng cứ bình an mà dấn bước.

                                                   Sấu chua.





Linh hồn của một vật Decor.

Ở nơi này mọi thứ không có gì gợi nhớ đến Tết.
Không khí.
Sắc màu.
Thanh âm.
Không gian.
...Tất cả phải tự làm "đầy" lên trong trí nhớ.
                                         ...
Trời lạnh. Khô. Có cả nắng. Thứ nắng mùa đông hiếm hoi, ngắn ngủi khiến cho lòng như bị đi lạc trong những mông lung không bến bờ.
Sau một ngày làm việc, lên nhà đáng lẽ tắm táp rồi xem phim hay đọc một cái gì đó thì lại pha một chậu nước ấm với chút tinh dầu chanh, với một cái khăn lau mới.
Lau tượng Phật trên ban thờ, lau dọn ban thờ, bát hương, bình hoa, khung ảnh thờ...
 Đêm càng về muộn, mọi thứ càng trở nên yên ắng. Cứ miên man làm, miên man nhớ. Nhớ một nơi mọi thứ đều lãng đãng toàn kỉ niệm.
Những cành mận đem cắm trong nhà bắt đầu hé ra những hạt gạo trắng lấm ta lấm tấm.
Cái cảm giác tinh tươm sạch sẽ dâng lên tí tách ở trong lòng.
Dòm khắp nhà xem có gì dính dáng tới Chuột, để đem ra trưng :-D

Mỗi ngày làm một hai việc khiến cho lòng mình Tết dần lên.

Hôm nay đang nghĩ xem ngày mai làm gì để tiễn cụ Táo. Vẫn chưa biết sẽ làm gì? nhưng biết chắc sẽ dành hẳn cả một buổi sáng để nấu một món gì thật đẹp mắt, thật thích.

Nhà sạch, bếp sạch, hoa đào, hoa mận, hoa táo, rí rách thầm thì rủ nhau khe khẽ cựa mình trong những đêm cuối năm bỗng trở thành một niềm riêng, thật riêng của những cái Tết xa xứ. 

Rồi thì thủng thẳng mỗi ngày sẽ muối thêm vại dưa. 
Rồi thì đi mua lá dong.
Rồi thì ngâm măng khô.
Rồi thì ngồi gói bánh chưng chỉ cốt để thơm nhà, để vớt bánh, để treo bánh lủng lẳng trong bếp.
Cuối năm sẽ có những ngày thật đẹp đẽ đó là những ngày mà trong bếp có một thứ đồ vật thật thơm thảo dẻo mềm đem tạ lễ với tổ tiên rồi được treo như một vật decor đầy linh hồn. Rồi bóc ra ăn được. Rồi trở thành một nỗi nhớ cứ trở đi trở lại trong tâm hồn những  người con máu đỏ da vàng.
                                                          Sấu chua.

2020/01/07

Một ngày mùa đông.

Một mùa đông tuyết bay mù trời trắng xóa bồng bềnh hình như cứ mỗi năm lại một hiếm hoi xa vắng dần.
Thỉnh thoảng có một ngày tuyết rơi thì thấy lòng xốn xang, nhưng nỗi niềm xốn xang chẳng được bao lâu, vì tuyết cứ rơi một lúc là tan sạch.
Không còn những lớp tuyết trắng xốp dầy ứ lên trên sân nhà.
Không còn những hàng cây trắng xóa lung linh trong công viên thành phố.
Không còn những buổi đêm bầu trời hồng rực, tuyết bay lơ lửng từng bông to xụ, nắm tay nhau đi dưới bầu trời tĩnh lặng, hồ hởi in những dấu giầy của chính mình lên mặt tuyết tinh khôi.
Chỉ còn những nỗi nhớ về mùa đông là trở qua trở lại. 
Mùa màng đã mang những sắc màu khác, những nỗi niềm khác. Cứ như là rồi cũng có ngày ta trở nên thương nhớ cả mùa đông ở ngay chính trong mùa đông.

                                             .....
Tháng 1 đang ở vào những ngày đáng ra lạnh lắm, nhưng chờ mãi vẫn không lạnh.
Cách đây chưa quá lâu vẫn từng ước giá như mùa đông bớt dài, bớt lạnh thì hạnh phúc hơn, nhưng giờ chợt nhận ra, người ta thường chỉ hay ước những thứ mình thiếu thốn.
Những mùa đông không có tuyết, khiến cho mặt đất không tích đủ nước để nuôi nấng cây cối trong vườn
Những giấc ngủ mùa đông không còn đủ dài cho cây cối nghỉ ngơi, chúng bị đánh thức và trở nên bỡ ngỡ như đứa trẻ non nớt bị vứt vào đời.
Những loại sâu bọ trở nên lạ lẫm, gớm ghiếc, dai dẳng và hung hăng.
Một điều gì đó trở nên bất thường nếu như mùa đông không đủ lạnh, không đủ cho vạn vật cùng cây cối tàn úa, chết đi để rồi được tái sinh trong những hình hài mới, những tinh thần mới ? !!!

                                           ......
 Sáng dậy ăn sáng, tập tành một lúc thì bật camera vừa nói chuyện với bố mẹ vừa nấu ăn.
Lọc một con gà, bộ xương đem đi nấu với ngô, đậu, hành và cần tây làm soup.
Thịt gà đem kho với măng nứa, trước khi bắc ra thả hành thái khúc xanh biếc, đem ăn cùng cơm nóng.
Kho thêm một nồi cá nục với cà chua, măng, ớt, để ăn thêm nếu có bữa không thích ăn thịt gà.
Vài ngày mới vào bếp nấu ăn một lần, vì nhà chỉ có hai người. Lâu rồi cũng không còn thích ra ngoài ăn quán.
Mùa đông lại càng lười biếng, chỉ thích quanh quẩn trong nhà.
Muốn nấu những bữa ăn nóng sốt, đúng giờ, ngon miệng, có chọn lọc như một cách chiều chuộng yêu quí bản thân và người sống cùng.
Cũng đã dần bước vào những tháng ngày mà cảm nhận rõ mỗi ngày sống đều đáng được nâng niu, đều không được phép hoang phí cảm xúc cho những điều không xứng đáng.
Những lúc nấu ăn đều yên lắng đắm chìm vào từng thứ nguyên liệu, cắt, rửa, thái, nấu theo những trình tự đã được sắp xếp một cách dễ chịu nhất để làm sao mọi thứ nhịp nhàng, nhẹ nhõm như một trò chơi cho chính mình. Để mỗi món ăn như một món quà dành tặng cho chính ta.

                                      ......
Vừa hết tết tây, thì lại sắp có tết ta ngấp nghé. Có người bần thần bấm đốt ngót tay, rồi ra vườn chặt cành đào, cành mận, đem vào nhà ủ hoa chơi tết, khiến lòng mình lại thấy bâng khuâng.
Ai sợ tết, chắc là họ có lí do của họ, nhưng mình không sợ tết, không chán tết.  
Tết của người viễn xứ vẫng mang trong tim những bóng dáng xưa, những thương nhớ xưa, những hoài niệm chưa bao giờ chịu Cũ.

Hôm nọ nghe hai anh em chúng nó tính tính toán toán, ngày nào Tết ta, để còn rủ nhau cùng về. Con em bảo sắp được ăn bánh chưng rồi, thằng anh lại bảo anh thích ăn canh măng mẹ nấu và được mừng tuổi, con em cười phá lên rồi hất hàm hỏi thằng anh : anh còn muốn làm trẻ con đến bao giờ nữa? Ê năm nay anh đi làm có tiền lương rồi bắt đầu phải mừng tuổi mẹ mới đúng nhé. 
 Thì ra mùi Tết, hương Tết, quang cảnh Tết, không khí Tết đã tạo ra một " quầng sáng" sưởi ấm những trái tim Việt non trẻ của mẹ, ở trong "vầng áng sáng" riêng biệt không bị pha trộn ấy các con nhận ra mình có một cái Tết cho nhau, có nhau, thi vị và mong chờ để được thưởng ngoạn nó, tận hưởng nó với tất cả đầm ấm và yêu thương.
                                             Sấu chua.

2020/01/02

Cậu trai nhỏ của tôi.

Đêm qua từ lúc chui vào chăn đi ngủ đã mỉm cười một mình trong chăn vì nhớ rất rõ bằng giờ này hai mươi sáu năm trước, mình cũng chui vào chăn thế này nhưng với một cái bụng to như cái trống, ọc à ọc ạch, xoay ngửa xoay nghiêng, rồi bất ngờ nửa đêm tỉnh giấc vì một cảm giác thốn, ấm, nóng, hồi hộp, thoáng cả một chút lo âu.
Có người làm bố lần đầu mà không dám chở vợ vào viện, phải nhờ bác H lái xe chở giúp, để ngồi cạnh mình cho chắn chắn.
Mẹ sinh con trong một đêm mùa đông rất lạnh, âm gần 20 °C.
Con sinh hơi thiếu ngày, nên bé nhỏ, nhẹ cân, nhưng rắn rỏi, tóc nhiều và đen nhánh. Đôi mắt con to tròn cũng đen nhánh với hàng lông mi và lông mài đẹp như vẽ và cũng đen nhánh nốt.
Đôi môi con rất xinh và đỏ tươi, khuôn mặt từ trong bụng mẹ chui ra dù nhỏ tẹo nhưng đã bầu bĩnh hiền hòa.
Chúng ta gặp nhau trong giây phút đó - choáng ngợp - yêu dấu và  mãi mãi in đậm trong đời sống của mẹ. Đến mức mỗi năm khi nhớ lại mẹ vẫn còn cảm thấy nó như mới xảy ra.

Lúc nhỏ, con không thích xa mẹ, chơi gì cũng thích gần mẹ, ngẩng lên nhìn thấy mẹ thì cúi xuống chơi tiếp, không thấy mẹ là lụi cụi mò đi tìm nhớn nhác. Đi chơi đâu xa, con cũng thích về ngủ ở nhà có mẹ.
Con ăn ngon tất cả các món mẹ nấu.
Con đi học thường về đúng giờ để chờ xem mẹ có cần gì không.
Con thích ngồi học với mẹ. Thích chơi cờ caro với mẹ, thua thì mím môi lại cho khỏi rơi nước mắt. 
Mẹ nhớ có lần mình học tiếng Việt Nam với nhau, mẹ bảo con đọc và kể lại cho mẹ nghe truyện " sự tích trăm trứng". Con ngồi đọc nghiền ngẫm rồi kể là: có một anh Lạc Long Quân yêu chị Âu Cơ, rồi họ đẻ ra một trăm quả trứng, nhưng không phải trứng gà đâu mẹ ơi... mẹ cười muốn chết, và mẹ sẽ còn mỉm cười mãi mỗi khi nhớ lại chuyện này.
Bây giờ chúng ta đã có thể nói với nhau mọi chuyện bằng tiếng Mẹ Đẻ, viết cho nhau những đoạn tin nhắn bằng chữ Mẹ Đẻ.

Năm nay sau hai mươi sáu năm, sinh nhật con, lần đầu tiên con không còn ở cạnh mẹ trong ngày sinh nhật nữa.
Con đã học xong, đã đi làm, có một công việc như ý, có một căn hộ để sắp xếp theo ý mình, có tình yêu để chia sẻ những buồn vui, có vài cây đàn để ngồi đánh say sưa, có những dự định cho sự nghiệp, có những người bạn cứ đến ngày 25/12 hàng năm là lục tục gọi nhau í ới để ngồi tán phét với nhau cả đêm. 
Con có những buổi chiều xách túi đi chợ để tự nấu cho mình những món ăn ngon...khiến cho mẹ nhớ đến những ngày con học thổi cơm lần đầu, con đong gạo, đo nước bằng đốt ngón tay nhỏ xíu.
Mẹ nhớ giọt nước mắt thất vọng đắng cay của cậu trai yêu lần đầu mà không được đáp lại.
Mẹ nhớ ngày con thi đỗ vào trường đại học.
Mẹ nhớ những ngày con đi học ở nước ngoài, ngày nào nấu cơm cũng bật skype để nấu với mẹ.
Mẹ nhớ chiếc xe đạp bé tí ba bánh mầu vàng, con loay hoay đạp cho nó lăn bánh đi...
Và ngày hôm nay con tròn 26 tuổi, con đã đi được những đoạn đường rất dài, vững chãi và đẹp! Mẹ luôn tự hào và ấm lòng mỗi khi nghĩ về con. Cậu trai bé bỏng của mẹ ạ.

                                                         Sấu chua.